Trang chủ Liên hệ

Cách đọc ehon

Nguyễn Tuấn Anh 31/07/2019

Cách đọc ehon rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí trẻ, khiến trẻ trở nên yêu hay ghét việc đọc ehon cũng như việc đọc sách sau này. Điều quan trọng nhất khi đọc ehon cho trẻ nghe chính là không khí thoải mái, không ép buộc để trẻ được trải nghiệm và thích thú với ehon theo cách của trẻ. Trẻ có thể giở ngược để xem, lật qua lật lại, liếm, gặm…đều mang ý nghĩa nhất định trong mỗi hành động ấy, nên hãy tôn trọng mong muốn ấy của trẻ. Hơn nữa cha mẹ nên hướng tầm nhìn đến mục tiêu 10 năm sau con sẽ trở nên thích sách để dặn bản thân không được nôn nóng trông chờ vào kết quả ngay tức thì.

1. Đọc ehon cho con từ khi nào?

Ở Nhật hầu hết cha mẹ đều bắt đầu đọc ehon cho con nghe từ tầm 6 tháng tuổi trở đi vì khi đó bé đã giữ được cổ và có thể ngồi thẳng trên lòng mẹ. Nhưng cũng có nhiều cha mẹ vẫn đọc cho con ehon từ khi mang thai, hay khi mới sinh ra. Vì đọc ehon cũng như cha mẹ đang hát cho con nghe một bài hát ru vậy. Trẻ nhìn các tranh nhiều màu sắc, được nghe giọng đọc ấm áp của cha mẹ không chỉ giúp trẻ cảm nhận tình yêu thương mà còn giúp trẻ hứng thú với sự vật xung quanh mình.

2. Tư thế đọc và giọng đọc

- Cha mẹ nên bế trẻ để trẻ ngồi trên đùi hay ngồi trong lòng và giơ cách khoảng 20-30 cm để giúp bộ não tiếp thu tốt nhất.

- Cha mẹ nên tập đọc trước một lượt trước khi đọc cho trẻ nghe để nắm bắt nội dung và thần thái của câu chuyện.

- Đối với trẻ dưới 3 tuổi cha mẹ nên đọc to, rõ ràng, chậm rãi với giọng điệu cao. Có những loại ehon dành cho lứa tuổi từ 0-2 tuổi rất ít chữ với mục đích để cha mẹ vừa nhìn tranh vừa sáng tác thêm cho câu chuyện theo ý riêng của mình. Với trẻ từ 2-3 tuổi thì giọng đọc trầm hơn so với lứa tuổi 0-1 tuổi, tốc độ đọc nhanh hơn nhưng cần phát âm to, rõ ràng.

- Với những trẻ dưới 3 tuổi khả năng lí giải ngôn ngữ chưa cao thì ba mẹ không cần đọc y nguyên theo như truyện mà có thể thêm thắt vào các từ ngữ biểu cảm hoặc như là đang kể chuyện, hoặc chỉ chỉ tranh nói tên nhân vật cũng được, miễn sao bé hứng thú với cách đọc ấy. Cha mẹ hãy coi nội dung cuốn ehon như là chủ đề để ba mẹ kể chuyện cho con, tạo ra không gian để trò chuyện cùng con. Vì với những ehon có nội dung dài mà cha mẹ đọc nguyên văn cả câu chuyện sẽ khiến trẻ chán nản bỏ giữa chừng thì cha mẹ có thể tùy cơ ứng biến, rút ngắn nội dung câu chuyện cho phù hợp. Hãy lấy bức tranh minh họa làm trung tâm để kể cho trẻ nghe lại câu chuyện một cách ngắn gọn hơn.

- Còn đối với những trẻ từ bậc tiểu học trở đi thì nên đọc nguyên văn cả câu chuyện để nâng cao năng lực lí giải cho trẻ. Nhất là những truyện nhi đồng hầu như rất ít tranh thì không cần cho trẻ xem tranh để giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng của mình.

- Về cơ bản ehon là một câu chuyện ngắn vì thế nếu trẻ tập trung thì cha mẹ nên đọc liền một mạch để kết thúc truyện chứ không nên chia ra làm nhiều lần. Cách làm này vừa nâng cao năng lực lí giải, vừa nuôi dưỡng hứng thú, cảm giác hạnh phúc vì làm được việc gì đó tới cùng cho trẻ.

Tác động tích cực của sách đến não trẻ 

3. Cách đọc ehon cho trẻ nghe ở trường mẫu giáo

- Các cô giáo nên để trẻ ngồi ở khoảng cách 1m so với em ngồi gần nhất, 5m so với em ngồi xa nhất. Các cô ngồi trên ghế, giơ cuốn ehon trước ngực giữa khoảng ngực và bụng mình. Cách đọc thì cũng giống như trên. Có điều khi đọc trong tập thể sẽ có những em cắt ngang câu chuyện giữa chừng, đưa ra lời bình luận có thể vì thấy thú vị, có thể muốn gây sự chú ý của người lớn. Khi này các cô vẫn nên tập trung vào câu chuyện mình đang đọc, không nên trả lời em đó mà cắt ngang câu chuyện vì như thế sẽ phá vỡ thế giới câu chuyện của những em còn lại.

- Các cô giáo có thể vẽ lại tranh nhân vật sau đó dùng tấm bảng kể lại câu chuyện bằng cách dùng những bức tranh nhân vật đó kể cho các em nghe.

Bố mẹ sẽ hiểu hơn và có được lựa chọn Ehon phù hợp cho bé: Tìm hiểu thêm 

4. Thấu hiểu tâm lí để giúp con yêu thích ehon (ứng với từng giai đoạn phát triển)

- Giai đoạn đầu khi trẻ còn nhỏ và mới làm quen với ehon thì chỉ cần trẻ tập trung nhìn vài giây hay vài chục giây thôi cũng được. Trẻ có thể cầm gặm hay liếm hoặc giằng lấy lật, hoặc muốn xé cũng được (khi trẻ định xé thì hãy thay bằng tờ giấy hoặc tờ báo). Đôi khi đang nghe đọc giữa chừng là trẻ chán bỏ đi chơi trò khác cha mẹ cũng đừng lấy đó làm thất vọng. Vì cha mẹ càng kỳ vọng muốn con nghe hết truyện sẽ càng dễ nảy sinh sự thất vọng, tâm trạng không còn vui vẻ nữa. Chỉ cần trẻ vui vẻ hứng thú với việc tiếp xúc với ehon ở giai đoạn đầu này là đạt mục tiêu.

- Vì sao bé chỉ thích đọc đi đọc lại 1 cuốn trong một thời gian dài. Đó là điều rất bình thường với trẻ nhỏ vì nhận thức của trẻ khác nhận thức của người lớn chúng ta, và vì ở trẻ cần có quá trình lặp đi lặp lại để lưu giữ những kiến thức và kí ức vào bộ não. Việc trẻ đòi đọc đi đọc lại cả chục lần, có khi cả năm trời cùng một cuốn chứng tỏ rằng trẻ vô cùng thích thú với một chi tiết nào đó trong cuốn truyện đó. Hoặc mỗi lần đọc nó trẻ lại khám phá thêm một điều gì thú vị ở trong đó. Mỗi lần ấy cha mẹ nên vui vẻ đọc lại theo yêu cầu của bé nhé, thay vì cáu gắt rằng sao con không chọn cuốn khác. Đến một thời điểm nào đó bé sẽ không còn muốn đọc nó nữa, tức là bé đã tốt nghiệp hoàn toàn hành trình khám phá cuốn sách đó rồi.

Con thích thú và tò mò đây là lý do bố mẹ nên đọc ehon cho con.

Ví dụ như câu chuyện này, Bon là một cậu bé rất thích ehon, đặc biệt là ehon có ô tô, hay các phương tiện di chuyển được. Dù mẹ đã mượn các ehon khác nhưng bao giờ Bon cũng chọn ehon ô tô để đưa cho mẹ đọc. Thời gian đầu Bon chỉ biết chỉ tay vào hình cái ô tô. Sau đó 2 tháng Bon đã biết chỉ tay vào cái bánh xe, và lúc nào cũng chỉ tay vào đó mỗi khi mẹ đọc rồi ê a báo cho mẹ biết. và khi đi dạo ngoài đường hễ nhìn thấy ô tô là Bon đến gần quan sát bánh xe hoặc đứng từ xa chỉ vào bánh xe. Sau đó 2-3 tháng Bon lại bắt đầu chỉ tay vào kí hiệu nhả khói trong tranh vẽ (kí hiệu biểu thị ô tô đang chạy nên nhả khói). Điều đó muốn chứng tỏ rằng sau một thời gian trẻ sẽ luôn phát hiện ra được một điểm mới thú vị nên cha mẹ đừng lo lắng vì sao trẻ chỉ thích đọc mãi 1 cuốn ehon nhé.

- Giai đoạn từ 0-3 tuổi là thời kỳ ghi nhớ nguyên mảng tuyệt vời nên cha mẹ hãy đọc đi đọc lại vài lần một cuốn truyện cho trẻ. Khi trẻ bắt đầu biết đọc thì sẽ càng kích thích hứng thú giúp trẻ phát huy hứng thú học hỏi, thỏa mãn trí tò mò. Cha mẹ có thể dụ trẻ bằng những câu hỏi “tại sao lại thế nhỉ, con thử tìm hiểu xem sao”.

- Trẻ rất thích những câu chuyện mang tính hành động, phưu lưu, bí hiểm, tưởng tượng như“Alice ở xứ sở thần tiên” mà thuật ngữ tiếng Nhật là “yukite kaerisi monogatari”- tiếng Anh “home-way-home”. Khi trẻ tập trung được hơn 10 giây trở đi rồi hãy bắt đầu những cuốn ehon như thế để trẻ được thỏa mãn trí tò mò và hứng thú hành động trong mình.

- Khi trẻ có thể lí giải được một câu chuyện mà không cần tranh, hoặc khi đọc một cuốn ehon bằng màu từ đầu đến cuối không dừng thì hãy chuyển từ truyện có màu sắc sang truyện màu đen trắng. Đó là bước đầu tiên chứng tỏ năng lực lí giải của trẻ đã phát triển để tiến tới giai đoạn khó hơn là thích những câu truyện dài. Vì thế mình nhận thấy ehon cho trẻ tiểu học tầm lớp 5-6 trở đi thường là tranh đen trắng.

- Có khả năng nếu cha mẹ không đọc cho nghe, không theo sát thì trẻ dù lúc nhỏ rất thích ehon nhưng chưa chắc sau này lớn lên đã thích đọc sách. Chính vì thế bước cuối cùng là phải nhảy từ giai đoạn thích ehon sang thích đọc sách, chính là nghe cha mẹ đọc truyện mà không cần nhìn tranh vẫn lí giải được. Đó là bước cao nhất để giúp trẻ tiến tới thích đọc sách sau này. Khi này hãy bỏ qua ehon để tiến tới đọc câu chuyện dài như truyện cổ tích không cần tranh cho trẻ nghe. Nhiều người nghĩ rằng trẻ thích ehon thì sẽ thích đọc sách sau này chính là một lỗ hổng rất lớn. Nếu không có bước cuối cùng này thì khả năng trẻ tự nhiên thích đọc sách sẽ không hoàn toàn xảy ra.

 

Bài viết liên quan