NUÔI DƯỠNG NÃO TRẺ PHÁT TRIỂN! QUY TẮC VÀNG TRONG VIỆC NÂNG CAO LỢI ÍCH VIỆC “ĐỌC SÁCH CHO TRẺ NGHE”
“Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ qua việc đọc sách”
“Não được kích thích tư duy”
“Ngôn từ thêm phong phú”
Nghe những lợi ích trên chắc hẳn bố mẹ đều có chung suy nghĩ rằng “Mỗi ngày chắc chắn phải đọc Ehon cho con mới được”.
Nhiều mẹ đã tự đặt ra yêu cầu phải đọc cho con ít nhất 5 cuốn sách mỗi ngày. Nhưng nếu bố mé không biết cách đọc đúng thì dù có cố gắng thế nào đi nữa, cũng như công dã tràng.
Vì vậy, Mitsuko Tateishi, tác giả của cuốn sách “Hitori de dekiru ko ga sodatsu tekitoo okasan no susume” (Dịch tạm: Gợi ý của mẹ Tekito về cách nuôi dạy trẻ) đã chia sẻ những điều NG (No good – không tốt) trong việc đọc Ehon cho trẻ.
1. Không “phản đối việc đọc đi đọc lại nhiều lần cùng một cuốn sách”
“Để mẹ đọc Ehon cho con nhé”, sau khi nói câu đó, mẹ lại nhăn mặt khi nhìn thấy cuốn sách mà con đang cầm – chính là cuốn tối hôm qua đã đọc.
Mẹ trả lời: “Hôm qua mẹ đã đọc cuốn này cho con rồi mà”.
Người lớn không thích việc đọc đi đọc lại một cuốn sách, trừ khi phải đọc cuốn sách đó để chuẩn bị cho kì thi. Tương tự, họ cũng không thích việc đọc lại cùng một cuốn Ehon.
Nhưng con thì không giống thế. Thay vì nghĩ rằng “Đọc rồi nên mình không muốn đọc lại nữa”, con sẽ nghĩ “Đọc rồi nên muốn đọc lại thật nhiều lần nữa”. Con biết chỗ nào sắp xảy ra chuyện gì nên sẽ có chuẩn bị để “cười to”.
Con sẽ nhớ kĩ từng chữ nhỏ như “và, đến, để, là” nên nếu phát hiện mẹ đọc không giống thế, con sẽ chỉ ra ngay đấy.
2. Không “bỏ qua vì cảm thấy phiền”
Đặc tính của trẻ con là thích đọc đi đọc lại. Vì vậy, có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng có nội dung mang tính lặp lại.
Ví dụ như cuốn “Củ cải khổng lồ”, các trang sách chỉ khác nhau ở nhân vật còn lời thoại vẫn được giữ nguyên.
Nhiều mẹ cảm thấy điều này rất phiền phức nên đã tự ý rút ngắn lại.
“Trên cánh đồng nọ có một cây củ cải. Mọi người đều ra sức rút nó lên. Sự giúp đỡ nhỏ bé của chuột vào lúc cuối đã giúp mọi người thành công”, cuốn sách đã trở thành bản tóm tắt ngắn ngủn.
Con sẽ cảm thấy không thỏa mãn và tức giận, “Mẹ đọc lại đi!”.
Cuốn sách “Momotaro” cũng có nhiều chi tiết mang tính lặp lại nên nhiều mẹ cũng rút ngắn lại thành:
“Kitzu nói điều tương tự như đã nói với chó và khỉ……”, và con sẽ phản ứng lại rằng, “Mẹ phải đọc chứ!”.
Khi nghe đi nghe lại cùng một câu, con sẽ dần dần học và làm chủ được những từ ngữ mới. Vậy nên việc lặp lại là vô cùng cần thiết.
Sau khi mẹ đọc xong, con sẽ ngay lập tức bảo mẹ, “Một lần nữa đi mẹ!”.
Việc nghe mẹ đọc nhiều lần sẽ giúp con nuôi dưỡng tình yêu với tiếng mẹ đẻ đấy.
Ví dụ như trong câu chuyện “Trận chiến của khỉ và cua”, khi con nghe cua nói: “Khỉ ơi, cái này chua quá cậu cho tớ quả nào ngọt đi” thì khi ăn mận, thay vì nói một câu đơn giản như “Quả mận chả ngon gì cả”, con sẽ nói “Quả mận này chua hơn quả mận hôm qua”.
Những đứa trẻ nói được những câu như vậy thường là những trẻ được bố mẹ đọc đi đọc lại nhiều lần Ehon cho nghe.
3. Không hỏi trẻ “Con thấy thế nào?”
Ngay sau khi đọc xong đã hỏi con “Thế nào, truyện hay chứ con?”, “Vậy ai là kẻ xấu nhỉ?” là một điều cấm kị.
Sau khi được nghe mẹ đọc xong, con sẽ còn rất phấn khởi. Hãy để con như vậy và đừng phá vỡ trạng thái đó.
Cũng đừng nói những câu mang tính phỏng đoán như “Thú vị thật phải không nào?”. Vì ánh mắt mong đợi của cha mẹ như bắt con phải trả lời.
Nếu con trả lời khác với mong đợi của cha mẹ, “Chán lắm ạ”, thì cha mẹ cũng đừng lấy tay che mặt nhé. “Chán” cũng là cảm xúc tuyệt vời. Điều quan trọng nhất là con đã trả lời trung thực.
Ngoài ra, đừng áp đặt suy nghĩ của cha mẹ lên con và hãy để con được tự do tư duy nhé.
4. Đừng “vừa đọc vừa kiểm tra”!
Nhiều cuốn Ehon có những chi tiết như đồ ăn hay động vật. Sẽ thật tuyệt nếu vừa đọc cha mẹ vừa giao tiếp với con, “Đây là gấu trúc này con. Gấu trúc có ở vườn bách thú đấy”.
Vậy nhưng, nếu mỗi lần muốn nghe cha mẹ đọc, con lại bị hỏi những câu hỏi như “Con này là con gì ý nhỉ?”, “Chữ này đọc là gì vậy con?” thì sao nhỉ?
Con sẽ dần có suy nghĩ, “Mẹ lại định đọc cho mình rồi hỏi này kia” và ngày càng trở nên chán ghét Ehon.
Nhưng, nếu trong quá trình đọc mà con đột nhiên hỏi “Cái này là gì ạ?” thì cha mẹ đừng nói “Yên lặng nghe mẹ kể hết đã” mà hãy kiên nhẫn trả lời trẻ nhé.
Nếu con không hỏi gì thì cha mẹ cũng đừng chỉ vào tranh và hỏi con “Đây là gì nhỉ?” nhé.
5. Đừng “Bỏ thêm bài học” vào câu chuyện!
Đọc cuốn sách thiếu nhi “Đứa trẻ nói dối”…
“Nếu con cứ nói dối như cậu bé trong này thì chẳng ai sẽ tin con nữa đâu!”
Đọc cuốn “Cậu bé trái đào”…
“Khi muốn hỏi ai đó điều gì, đừng chạm vào họ (???)”
Đọc cuốn “Sói và bảy chú dê con”…
“Con phải thông minh vào! Thông minh giống chú dê út con biết trốn sau đồng hồ kìa. (???)”
Đọc cuốn “Bé khóc rồi”…
“Con không được cư xử với các bạn giống như quỷ nhỏ đâu đấy!”
Đọc cuốn “Trận chiến của khỉ và cua”…
“Đừng thấy người ta có gì thì muốn cái đó! Con đừng tham lam như khỉ đấy nhé!”
Có nhiều người sẽ nói như vậy.
Nhưng những cuốn Ehon trên đều là tác phẩm nổi tiếng, chỉ cần đọc y những câu văn trong cuốn sách thôi cũng đã đủ để truyền tải thông điệp rồi nên bố mẹ không cần phải thêm gì mà cứ nói y như trong cuốn sách nhé.
Dù là cuốn “50 truyện cổ tích chọn lọc” đi chăng nữa thì mỗi chuyện cũng chỉ nằm vỏn vẹn trong 2 trang sách và truyện thì là bản tóm tắt nên câu văn quá ngắn để có thể truyền tải đầy đủ thông điệp.
Vậy nên bố mẹ hãy cố chọn cho bé những cuốn truyện cổ tích mà câu văn đầy đủ đến trình độ nhất định.
6. Đừng mắng trẻ vì “Thái độ không tốt”!
Khi đọc Ehon, bố mẹ có thể dễ dàng nhận ra câu chuyện sẽ bị gián đoạn khi mở sang trang tiếp theo đúng không nào?
Cũng có người sẽ giơ cuốn Ehon lên cao để trẻ không thể cản trở mình đọc được.
Tôi thấy lứa tuổi 4-5 sẽ hành động như vậy.
Một cậu bé còn quá nhỏ, chưa có nhiều hiểu biết về thế giới xung quanh lắm sẽ không có hứng thú nhiều với phần mở và kết thúc của câu chuyện.
Thay vào đó, con sẽ chỉ thích xem trang mà con thích thôi, đó có thể là cụm từ của một câu hoặc hoặc một hình ảnh nhất định nào đó.
Hãy đáp ứng niềm yêu thích đó của con.
Khi con giở sang trang khác và bảo mẹ đọc cho thì đừng trả lời rằng “Con phải đọc hết cả câu chuyện đã chứ!” mà hãy cứ đọc cho con trang con muốn nghe. Câu chuyện không cần thiết phải liền mạch.
Nghe hiểu nội dung không phải là mục đích khi đọc cho trẻ từ 0 - 3 tuổi nghe.
Đầu tiên bố mẹ phải khơi gợi được hứng thú đọc sách bên trong con đã.
7. Đừng lúc nào cũng “Mượn Ehon từ thư viện”!
Sách Ehon có giá cao hơn sách của người lớn, khoảng 1000 Yên trở lên. Nhưng nhũng cuốn sách này chỉ dùng một thời gian ngắn trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Vậy nên để tiết kiệm nhiều người đã đi mượn những cuốn sách Ehon từ thư viện.
Tuy nhiên cũng không thể nói đó là việc làm hoàn toàn có lợi.
Hãy coi thư viện là nơi để bạn tìm những cuốn sách thú vị.
Nhiều lúc tôi đến nhà sách và mua những cuốn sách với ý nghĩ rằng “Cuốn này chắc hay…” mà chẳng có hứng thú gì với nó, trẻ con khi tự chọn truyện cũng chỉ thích bìa của cuốn sách khi đó và về nhà thì chẳng thèm động vào tí nào.
Nếu vậy mượn sách ở thư viện hoàn toàn là lựa chọn chính xác vì bạn sẽ chẳng mất một đồng xu nào. Vì vậy hãy tìm những cuốn sách yêu thích của mình ở thư viện nhé.
8. Nếu yêu thích cuốn sách nào hãy mua chúng ở nhà sách
Nào, trước hết chúng ta hãy đi mượn sách. Nếu thấy thích và thậm chí đến thư viện để mượn những tập tiếp theo thì hãy cố gắng mua chúng ở nhà sách hoặc trên Amazon.
Sẽ thật buồn nếu cuốn sách bạn thích không bao giờ là của bạn.
9. Tổng kết
Với những ông bố bà mẹ luôn bận rộn với công việc và việc nhà thì “Mỗi ngày đọc một cuốn cho con” cũng là một công việc vất vả.
Không đánh răng, lâu ngày sẽ sâu răng, không ăn sẽ thiếu chất dinh dưỡng, việc đọc Ehon cũng như vậy, bố mẹ hãy giữ suy nghĩ rằng “Không đọc Ehon thì não con sẽ không có chất dinh dưỡng để phát triển”.
Mọi người thường rất dễ trở nên lười biếng trừ khi họ là người có tính tự chủ cao. Với suy nghĩ mình rất bận rộn nên sẽ chỉ đọc khi nào có thời gian, dần dần sẽ trở thành “mỗi ngày -> 3 ngày 1 lần -> 1 tuần 1 lần -> 2, 3 lần 1 tháng -> không đọc nữa” và hoàn toàn trượt dốc.
Và cuối cùng không thể thoát khỏi cái dốc đó.
Dù bận thì vẫn phải ăn, vẫn phải đánh răng. Hãy biến việc đọc Ehon cho con thành một công việc cần thiết hằng ngày. Cố phải làm hằng ngày sẽ khiến ta cảm thấy “phiền toái” nhưng nếu biến nó thành một thói quen thì khi không làm ta sẽ cảm thấy thiêu thiếu điều gì đó.
Bài viết được dịch từ website: http://ure.pia.co.jp/articles/-/51073
Tên gốc: 子どもの脳がみるみる育つ! “絵本の読み聞かせ”効果を高める鉄則7